Chỉ báo On Balance Volume (OBV) là gì?
Trong Lý thuyết Dow có đề cập đến việc dựa vào khối lượng giao dịch (volume) để xác nhận xu hướng thị trường. Nghĩa là khi thị trường đi theo xu hướng đích thực của nó thì volume sẽ tăng và volume sẽ giảm khi thị trường đi ngược xu hướng.
Nhận thấy tầm quan trọng của volume trong việc xác nhận xu hướng, Joseph Granville đã tạo ra một chỉ báo gọi là On Balance Volume (OBV). Thành tựu của Joseph Granville gây ra nhiều tranh cãi, song sức ảnh hưởng của ông tới thị trường chứng khoán là đáng kinh ngạc đối với giới phân tích kỹ thuật. Có lúc chỉ cần một nhận định của ông đã khiến thị trường lao thẳng dốc. Vậy chỉ báo OBV của ông là gì mà lại ghê gớm đến như vậy? Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Bitcoin Vietnam News tìm hiểu về chỉ báo On Balance Volume và phương pháp giao dịch theo OBV nhé.
ẩn
Chỉ báo OBV là gì?
OBV (On Balance Volume) nghĩa là Khối lượng Cân bằng, là một chỉ báo được sử dụng để đo lực mua và lực bán trên thị trường. Đây là một loại chỉ báo có tính lũy kế, tức là volume của một ngày nhất định được cộng dồn vào tổng OBV ngày hôm sau nếu giá tăng. Còn nếu giá giảm, volume của ngày hôm đó được trừ khỏi tổng OBV. Sau đó giá trị OBV được vẽ thành đường để dễ đọc tín hiệu.
Công thức tính OBV
Công thức tính OBV khá đơn giản
- Nếu giá đóng cửa phiên ngày hôm nay cao hơn phiên trước: OBV Trước đó + Volume Hiện tại = OBV Hiện tại
- Nếu giá đóng cửa ngày hôm nay thấp hơn ngày hôm trước: OBV Trước đó – Volume Hiện tại = OBV Hiện tại
- Nếu giá đóng cửa ngày hôm nay bằng với hôm trước: OBV Trước đó = OBV Hiện tại
Ý nghĩa của giá trị OBV
OBV là giá trị tích lũy khối lượng giao dịch các phiên cộng thêm khối lượng giao dịch nếu tăng giá và trừ đi khối lượng giao dịch nếu giảm giá. OBV dùng để đo lường sức tăng hoặc giảm của giá dựa trên khối lượng được giao dịch thành công.
Nếu giá tăng nhưng khối lượng giao dịch nhỏ, đồ thị OBV tăng chậm, giá giảm nhưng khối lượng giao dịch nhỏ, đồ thị OBV giảm chậm. Nếu giá tăng với khối lượng giao dịch lớn OBV tăng mạnh, nếu giá giảm với khối lượng giao dịch lớn thì OBV giảm mạnh.
Như vậy căn cứ vào sức tăng của OBV và việc hình thành phân kỳ âm hoặc dương của OBV để kết luận và khẳng định tính chắc chắn của xu thế tăng hoặc giảm giá hiện tại.
Tín hiệu cần tìm
Xác định xu hướng
OBV rất hữu ích trong việc xác định hoặc xác nhận xu hướng tổng quan của thị trường. Ngoài ra, dựa trên nguyên lý những dao động của dòng chảy volume tích cực hoặc tiêu cực (lực mua và lực bán) đi trước sự thay đổi về giá, OBV cũng có thể xác định các cú đảo chiều xu hướng tiềm năng.
Phân kỳ
Phân kỳ xảy ra khi hướng đi của giá không được xác nhận bởi chỉ báo. Trong nhiều trường hợp, những phân kỳ này có thể trở thành một cú đảo chiều tiềm năng.
Phân kỳ dương OBV xảy ra khi giá giảm nhưng OBV tăng:
Phân kỳ âm OBV xảy ra khi giá tăng nhưng OBV giảm:
Phương pháp giao dịch theo chỉ báo OBV
Trong chiến lược giao dịch theo OBV, chúng ta cần một sự trợ giúp từ một đường WMA.
Vào lệnh mua
- Đường WMA 233 kỳ của giá đang dốc lên
- Đường WMA 233 kỳ của OBV đang dốc lên
- Độ dốc đường WMA của giá chuyển thành âm nhưng độ dốc đường WMA của OBV vẫn dương (phân kỳ)
- Vào lệnh mua khi đường WMA của giá dương trở lại
Vào lệnh bán
- Đường WMA 233 kỳ của giá đang dốc xuống
- Đường WMA 233 kỳ của OBV đang dốc xuống
- Độ dốc đường WMA của giá chuyển thành dương nhưng độ dốc đường WMA của OBV vẫn âm (phân kỳ)
- Vào lệnh bán khi đường WMA của giá âm trở lại
Một số ví dụ về giao dịch theo OBV
Ví dụ thắng – Giao dịch mua
Ở biểu đồ trên, panel bên dưới đường màu xanh dương thể hiện chỉ báo OBV. Cả hai panel đều có một đường WMA 233 kỳ. Màu nền của hai panel thể hiện độ dốc đường WMA là dương hoặc âm.
- Cả hai đường WMA đều có độ dốc dương. Volume xác nhận xu hướng.
- Giá sụt giảm để test đỉnh sóng trước đó, rồi đi sideway.
- Độ dốc đường WMA của giá chuyển sang âm (lưu ý vùng màu hồng), song độ dốc đường WMA của OBV vẫn dương. Điều đó thể hiện cú hồi giá không nhận được hỗ trợ từ volume. “Tiền dại” đang đẩy mạnh vận may của họ. Một khi độ dốc đường WMA của giá dương trở lại, chúng ta mua vào trong một cú tăng giá mạnh mẽ.
Hãy nhìn vòng tròn đen trên biểu đồ. Cú test lại vẫn ngưỡng hỗ trợ đó thể hiện một cú hồi khác không được volume hỗ trợ. Một giao dịch thắng nữa đến từ chiến lược OBV của chúng ta.
Ví dụ thua – Giao dịch bán
Biểu đồ trên thể hiện một thị trường giằng co.
- Cả hai đường WMA đều dốc xuống, xác nhận xu hướng giảm.
- Giá tăng vọt khiến độ dốc WMA trở nên dương. Độ dốc đường WMA của OBV vẫn âm, ngụ ý “tiền khôn” không tham gia sóng tăng đó. Theo nguyên tắc giao dịch, chúng ta vào lệnh bán tại mũi tên đỏ khi WMA đi xuống. Tuy nhiên, giá đi ngược lại chúng ta với một sóng tăng mạnh mẽ khác.
- Giá đi trong vùng giằng co, và thêm rất nhiều tín hiệu OBV xấu xuất hiện. Đường WMA gần như đi ngang trong biểu đồ này.
Cú hồi ở Điểm 2 tồn tại lâu một cách bất thường, đó là tín hiệu cảnh báo xu hướng giảm không còn nguyên vẹn.
Ví dụ này cũng nêu bật mối nguy khi áp dụng chiến lược giao dịch theo OBV một cách máy móc.
Có nên sử dụng chỉ báo OBV không?
Khi trình bày về chiến lược giao dịch OBV này, tôi sử dụng các đường WMA để xác định phân kỳ trước khi đi vào phân tích chi tiết. Các nguyên tắc đều khá hiệu quả cho việc lựa ra những biến động yếu tiềm ẩn.
Tuy nhiên, điểm vào lệnh của chúng ta vẫn có thể cải thiện được. Hiện tại, chúng ta vào lệnh khi cả hai đường WMA đi cùng hướng trở lại, đòi hỏi một mức cắt lỗ lớn hơn. Điểm cắt lỗ thường dùng đặt tại đầu kia của nến tín hiệu là chưa hiệu quả. Hãy đặt mức cắt lỗ tại đỉnh/đáy sóng trước đó để tránh whipsaw. Hãy cân nhắc sử dụng các mô hình đảo chiều để vào lệnh.
233 kỳ là thông số tiêu chuẩn tôi chọn cho phân tích dài hạn. Nó hoạt động khá hiệu quả trên khung ngày. Tuy nhiên, với các khung thời gian trong ngày, có thể bạn sẽ muốn thử nghiệm với các chu kỳ ngắn hơn.
Như những gì được thể hiện ở ví dụ đầu, trong thị trường có xu hướng, chiến lược giao dịch theo OBV kết hợp với các ngưỡng hỗ trợ – kháng cự là một hướng đi khá tin cậy. Hơn nữa, chỉ báo OBV cung cấp một phương diện khác của thị trường, giúp chúng ta xác nhận được xu hướng.
Để tránh giao dịch thua, chớ lấy tín hiệu trong thị trường sideway. Nếu độ dốc các đường WMA dập dềnh lên xuống, nhiều khả năng thị trường đang trong vùng giằng co. Ngoài ra, nếu các đường WMA phân kỳ quá lâu, hãy tránh sử dụng tín hiệu kế tiếp.
Tổng kết
Chỉ báo OBV là một công cụ tốt để đo lường lực mua và lực bán. Nhiều người tin rằng lực mua và lực bán đi trước sự thay đổi về giá, khiến cho chỉ báo này trở nên giá trị. Đặc biệt, phân kỳ nên luôn được xem như một cú đảo chiều tiềm năng trong xu hướng hiện tại. Tuy nhiên, như hầu hết mọi chỉ báo khác, tốt nhất bạn nên sử dụng OBV kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật khác.
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại GiaiMaCoin.Com.
Mục lục