Cross Collateral là gì? Giải thích về Cross Collateral trên Binance Futures
ẩn
Cross Collateral là gì?
Cross Collateral (Thế chấp Chéo) là một tính năng cho phép người dùng thế chấp tài sản của mình để đi vay một tài sản khác.
Trên Binance Futures, tính năng Cross Collateral cho phép người dùng thế chấp tài sản mã hoá của mình để vay Tether (USDT) với mức lãi suất 0%. Sau đó, số tiền đã vay có thể được dùng để giao dịch các hợp đồng tương lai (Futures) trên nền tảng Binance Futures.
Tại sao phải thế chấp Cross Collateral?
Các sàn giao dịch tiền sử dụng các stablecoin để tính giá cho nhiều đồng tiền mã hoá khác. Tuy nhiên khi nắm giữ BTC thì người dùng có rất ít động lực để bán và chuyển chúng sang stablecoin vì chi phí cơ hội khá cao.
Với tính năng này, những ai không muốn nắm giữ các stablecoin vẫn có thể thế chấp tài sản của mình để tham gia thị trường futures. Do đó, người dùng vẫn có thể giao dịch hợp đồng tương lai mà không cần phải chuyển tài sản sang USDT.
Cross Collateral trên Binance hoạt động như thế nào?
Như đã giải thích, Cross Collateral cho phép người dùng vay tiền để giao dịch hợp đồng tương lai, những khoản vay đó sẽ được đảm bảo bằng lượng tài sản đang sở hữu. Trên nền tảng Binance Futures, tính năng này hiện cho phép người dùng thế chấp BUSD và BTC.
Khi người dùng sử dụng tính năng Cross Collateral trên Binance, có 4 yếu tố cần phải cân nhắc:
- Tổng số tiền đã vay dưới dạng USDT
- Tổng số tiền thế chấp (dưới dạng BTC hoặc BUSD)
- Giá trị thị trường của số tiền thế chấp tính theo USDT
- Tỷ lệ Khoản vay trên Giá trị (Loan To Value – LTV)
LTV là cách thức để đánh giá rủi ro cho vay. Tỷ lệ này đo giá trị danh nghĩa của khoản vay so với giá trị thị trường của lượng thế chấp. Ví dụ, một khoản vay có tỷ lệ LTV cao đồng nghĩa với rủi ro tài chính cao.
Trong ví dụ dưới đây, chúng tôi sẽ minh hoạ cách một nhà đầu tư thế chấp BTC và BUSD để vay USDT với mức lãi suất 0%. Để dễ hiểu hơn, hãy đi vào các ví dụ bên dưới.
Ví dụ 1:
- Giá BTC/USDT là 5000
- Giá BUSD/USDT là 1
Tổng số lượng USDT đã vay | Tổng số lượng thế chấp | Giá trị của lượng thế chấp tính theo USDT | Tỷ lệ LTV |
2500 USDT | 1 BTC | 5000 USDT | 50% |
500 USDT | 1000 BUSD | 1000 USDT | 50% |
Ví dụ 2:
- Giá BTC/USDT giảm 20% về còn 4000
- Giá BUSD/USDT giảm 5% về còn 0.95
Tổng số lượng USDT đã vay | Tổng số lượng thế chấp | Giá trị của lượng thế chấp tính theo USDT | Tỷ lệ LTV |
2500 USDT | 1 BTC | 4000 USDT | 62.50% |
500 USDT | 1000 BUSD | 950 BUSD | 52.60% |
Từ các ví dụ trên, ta có thể thấy giá trị của lượng tiền thế chấp ảnh hưởng đến tỷ lệ LTV. Khi giá trị của lượng tiền thế chấp giảm, tỷ lệ LTV tăng. Nói cách khác, tỷ lệ LTV thường sẽ biến động nhiều hơn đối với các dạng thế chấp có bản chất bất ổn về giá trị. Đặc biệt với những tài sản thường xuyên tăng giảm đột ngột như là BTC, người dùng cần đảm bảo có đủ tiền dự trữ phòng trường hợp giá trị thị trường bất ngờ đi xuống.
Quản lý rủi ro với Cross Collateral
Cross Collateral mang lại nhiều linh hoạt và lựa chọn hơn, nhưng người dùng cũng cần nắm được những rủi ro đi kèm với tính năng này. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng cần nắm khi giao dịch với Cross Collateral:
Tỷ lệ LTV – Binance Futures đánh giá tỷ lệ LTV để xác định mức độ rủi ro mà người dùng đã chọn. Như đã nói, giá trị thị trường của tài sản thế chấp có thể biến đổi theo thay đổi về giá. Chính vì thế, người dùng cần phải thường xuyên theo dõi tỷ lệ LTV trước khi nó chạm đến ngưỡng giới hạn. Đối với BTC, giới hạn LTV tối đa là 70%, còn của BUSD là 90%.
Đảm bảo duy trì đủ thế chấp dự phòng – Để tránh bị thanh lý tài sản, người dùng lúc này cũng cần đảm bảo duy trì một lượng thế chấp dự phòng để giữ không cho tỷ lệ LTV vượt quá giới hạn tối đa.
Chú ý đến rủi ro thanh lý và phí – Khi tỷ lệ LTV vượt quá ngưỡng tối đa, người dùng sẽ bị yêu cầu gia tăng thế chấp để giảm rủi ro thanh lý. Nếu những yêu cầu này không được đáp ứng, một lệnh thanh lý bắt buộc sẽ được kích hoạt khi mức LTV chạm đến ngưỡng Gọi Thanh lý. Thanh lý của Cross Collateral còn có mức phí là 1% giá trị khoản vay. Trong trường hợp giá biến động dữ dội, bạn có thể sẽ bị tính phí thanh lý lên tài sản thế chấp và vị thế trên hợp đồng tương lai ở cùng một thời điểm.
Đừng sử dụng đòn bẩy quá cao lên hợp đồng tương lai – Đòn bẩy là một con dao hai lưỡi. Giống như cách nó có thể nhân lợi nhuận của bạn lên, nó cũng gia tăng những rủi ro và thiệt hại khi thị trường tiền mã hoá biến động dữ dội.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên nắm chắc quy trình thanh lý của Cross Collateral và vị thế hợp đồng tương lai bởi chúng hoạt động độc lập với nhau. Ví dụ, người dùng có thể bị thanh lý Cross Collateral kể cả khi có đủ dự trữ USDT trong tài khoản futures của họ. Tương tự, thanh lý có thể bị kích hoạt đối với tài khoản futures nhưng lại không tác động lên Cross Collateral. Ở cả hai trường hợp, tài khoản bị thanh lý sẽ bị tính phí.
Lời kết
Cross Collateral giúp mở rộng hệ sinh thái của Binance và cho phép nhà đầu tư tận dụng tối đa tài sản mã hoá của mình để quản lý rủi ro trong danh mục tiền mã hoá. Tính năng này giúp gia tăng hơn nữa độ cộng hưởng giữa hai nền tảng spot và futures của Binance, một ưu điểm chiến lược giúp Binance vượt trội hơn so với những sàn giao dịch trong ngành. Các nhà đầu tư dài hạn có thể phòng hộ vị thế trên thị trường futures mà không cần phải chuyển tài sản sang USDT. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không phải bán BTC ở mức giá mình không mong muốn. Với tính năng Cross Collateral, nhà đầu tư sẽ càng dễ dàng tiếp cận đến nền tảng futures hơn, qua đó tiếp tục mở rộng hệ sinh thái của Binance.
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại GiaiMaCoin.Com.
Mục lục