Mô hình nến Falling và Rising Window là gì?
Gap là một “khoảng trống” trong biểu đồ giá, xảy ra khi giá đột ngột di chuyển một cách mạnh mẽ. Trên thị trường tài chính nói chung thì bạn có thể bắt gặp thuật ngữ này thường xuyên, tuy nhiên theo bộ các mô hình nến Nhật thì Gap được gọi là Window và đây là khái niệm cơ bản mà bất kỳ trader nào cũng cần nắm bắt. Trong bài viết này, Bitcoin Vietnam News sẽ giới thiệu đến bạn mô hình Window là gì, các dạng của chúng, cũng như cách giao dịch nếu bạn bắt gặp chúng trên biểu đồ giá.
ẩn
Mô hình nến Window là gì?
Window (Cửa Sổ) là một mô hình nến tiếp diễn có cấu tạo cực kỳ đơn giản, được tạo thành từ hai cây nến và ở giữa chúng có một khoảng trống (Gap) nhìn như một khung cửa sổ với 2 nến là 2 cánh cửa. Cũng như các bộ nến Nhật phổ biến khác, mô hình Window có 2 dạng là tăng và giảm, gọi là Falling Window và Rising Window.
Mô hình nến Falling Window (Cửa Sổ Giảm)
Mô hình Falling Window thường xuất hiện trong một xu hướng giảm, với đặc điểm là đỉnh của nến thứ hai luôn thấp hơn đáy của nến thứ nhất, tức là giữa 2 cây nến phải có một khoảng trống giảm (gap down). Ngoài ra trong một xu hướng giảm thì thường 2 nến sẽ đều có màu đỏ, tuy nhiên màu sắc của nến không quan trọng trong mô hình này.
Falling Window đóng vai trò như một vùng kháng cự trong xu hướng giảm. Vùng kháng cự ở đây được tạo ra từ giữa đáy nến thứ nhất và đỉnh nến thứ hai. Sau khi thị trường tạo ra một khoảng trống, giá thường sẽ tăng lên để “lấp đầy khoảng trống” trước khi gặp phải kháng cự và tiếp tục xu hướng giảm.
Sau khi mô hình Falling Window hình thành, nếu cây nến tiếp theo là nến tăng nhưng không thể lấp đầy khoảng trống, chúng ta có mô hình Downside Gap Tasuki, cũng là mô hình tiếp diễn giảm giá.
Mô hình nến Rising Window (Cửa Sổ Tăng)
Mô hình Rising Window thường xuất hiện trong một xu hướng tăng, với đặc điểm là đáy của nến thứ hai luôn cao hơn đỉnh của nến thứ nhất, tức là giữa 2 cây nến phải có một khoảng trống tăng (gap up). Ngoài ra trong một xu hướng tăng thì thường 2 nến sẽ đều có màu xanh, tuy nhiên màu sắc của nến không quan trọng trong mô hình này.
Rising Window đóng vai trò như một vùng hỗ trợ trong xu hướng tăng. Vùng hỗ trợ ở đây được tạo ra từ giữa đỉnh nến thứ nhất và đáy nến thứ hai. Sau khi thị trường tạo ra một khoảng trống, giá thường sẽ giảm xuống để “lấp đầy khoảng trống” trước khi nhận được hỗ trợ và tiếp tục xu hướng tăng.
Sau khi mô hình Rising Window hình thành, nếu cây nến tiếp theo là nến giảm nhưng không thể lấp đầy khoảng trống, chúng ta có mô hình Upside Gap Tasuki, là một mô hình tiếp diễn tăng giá.
Ý nghĩa của mô hình nến Window
- Trong mô hình Falling Window, khi một khoảng trống giá giảm xuất hiện, nó cho thấy phe mua đang yếu thế so với phe bán và do đó thị trường sẽ tiếp giảm sau khi mô hình này tạo thành.
- Ngược lại, trong mô hình Rising Window, khi một khoảng trống giá tăng xuất hiện, nó cho thấy phe bán đang yếu thế so với phe mua và do đó thị trường sẽ tiếp tục đi lên sau khi mô hình này tạo thành.
Cách giao dịch với mô hình nến Falling và Rising Window
Khi mô hình nến Window xuất hiện, hãy xem chúng như các ngưỡng hỗ trợ (Rising Window) hoặc kháng cự (Falling Window). Chiến lược giao dịch rất đơn giản, đó là chờ giá quay trở lại kiểm tra các khoảng trống giá và bắt đầu vào lệnh.
- Trong mô hình Falling Window, chúng ta đợi giá quay trở lại vùng gap, nếu thị trường không thể lấp đầy khoảng gap đó, chúng ta vào lệnh bán (sell). Điểm dừng lỗ nên được đặt ở dưới đỉnh gần nhất, điểm chốt lời được đặt ở các vùng hỗ trợ bên dưới. Bạn cũng nên cảnh giác nếu giá không bật xuống sau khi đã đi vào vùng gap mà còn tăng mạnh lên, lấp đầy khoảng trống.
- Trong mô hình Rising Window, chúng ta đợi giá quay trở lại vùng gap, nếu thị trường không thể lấp đầy khoảng gap đó, chúng ta vào lệnh mua (buy). Điểm dừng lỗ nên được đặt ở dưới đáy gần nhất, điểm chốt lời được đặt ở các vùng kháng cự bên trên. Bạn cũng nên cảnh giác nếu giá không bật lên sau khi đã đi vào vùng gap mà còn giảm mạnh xuống, lấp đầy khoảng trống.
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại GiaiMaCoin.Com.
Mục lục