Quy tắc quản lý tài chính bằng 6 chiếc lọ
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình kiếm được nhiều tiền nhưng mãi vẫn không tích lũy được khoản tiền lớn nào? Việc chi tiêu, tích lũy tiền bạc sao cho hài hòa hợp lý là mong muốn của tất cả mọi người mà không phải ai cũng biết cách. Quản lý tài chính cá nhân là một nghệ thuật và làm thế nào để quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất? Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách quản lý tài chính cá nhân bằng quy tắc 6 chiếc lọ nhé.
ẩn
Những quan niệm sai lầm trong tài chính cá nhân
Luôn nghĩ rằng mình không thể tiết kiệm: Nhiều người cho rằng mình không thể có đủ tiền để bỏ riêng một phần cho tiết kiệm thậm chí nhiều nhân viên có mức thu nhập cao vẫn cảm thấy điều này. Theo chuyên gia quản lý tài chính thủ phạm đứng đằng sau vấn đề này chính là lối sống hoang phí khi một người kiếm được nhiều tiền hơn họ thường có thể chi tiêu nhiều hơn. Theo Slim, Một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim sở hữu tài sản 69 tỷ USD, thói quen chi tiêu chặt chẽ sẽ giúp thúc đẩy việc phát triển hoạt động kinh doanh và tránh được sự cần thiết phải điều chỉnh mạnh khi khủng hoảng xảy ra.
Tôi sẽ tiết kiệm sau, giờ cứ tiêu đi đã: Thật dễ dàng và thú vị khi ta sống hiện tại mà không lo lắng về tương lai nhưng chuyên gia lập kế hoạch tài chính khuyến cáo hãy tưởng tượng tương lai của bạn giống như xem một bộ phim thử nghĩ về những hậu quả nghiêm trọng ví dụ phải nghỉ hưu sớm vì bệnh tật
Đầu tư tiền bạc là một việc phức tạp: Bạn nên bắt đầu đầu tư bằng những ý tưởng kinh doanh nhỏ có thể góp vốn, ngoài ra bạn cũng có thể đầu tư vào một quỹ tài chính, nên chọn những quỹ đơn giản sẽ tốt hơn
Chỉ chuẩn bị tiền bạc cho một sự kiện: Bạn chỉ tiết kiệm tiền cho một việc gì đó ví dụ tốt nghiệp đại học hay đám cưới, công việc hoàn thành là bạn xong trách nhiệm chính suy nghĩ này bạn sẽ khó có một tương lai ổn định
Luôn nghĩ rằng mình không thể biết trước được điều gì cả: Trên thực tế bạn chịu trách nhiệm về cách bạn chi tiêu, số tiền bạn kiếm được, cách bạn đầu tư và ra các quyết định tài chính. Vì thế lập kế hoạch tài chính nằm trong tay bạn chứ không phải là trò may rủi.
Tại sao lại cần quản lý tài chính cá nhân?
Việc quản lý tốt tài chính cá nhân sẽ giúp bạn kiểm soát tốt đồng tiền mình làm ra, kiểm soát tốt chi tiêu, các kênh đầu tư của mình, hạn chế tối đa các rủi ro về tài chính trong cuộc sống và giúp bạn sớm đạt được tự do về tài chính, làm những gì mình muốn và không còn bận tâm tới việc kiếm tiền nữa.
Sau khi thử nghiệm rất nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân kể cả các phần mềm quản lý tài chính cá nhân, Tôi đã rút ra một phương pháp rất hiệu quả đó chính là Phương pháp quản lý tài chính theo nguyên tắc 6 chiếc lọ (hũ) – 6 jars. Đây thực sự là một phương pháp sản sinh ra các triệu phú.
Theo Robert Kiyosaki (tác giả của bộ sách Dạy con làm giàu) : Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn bao nhiêu lần.”
Theo tỷ phú, Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì một vài sai lầm nhỏ trong chi tiêu cá nhân cũng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu. “Hãy thường xuyên rà soát chi tiêu để xác định xem bạn đang chi tiêu không hợp lý ở đâu. Tôi biết có những người xem nhẹ những khoản chi như giải trí hay tiền rượu, trong khi những khoản chi này cũng cần phải tính đếm. Bất kỳ một chỗ rò rỉ nhỏ nào cũng có thể làm chìm một con tàu. Đối với tài chính cũng vậy”.
Theo quan điểm của Warren Buffett, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới: Để giàu lên thì không nên tiêu ngay số tiền kiếm được mà phải biết tái đầu tư số tiền đó.
Vì vậy khi cầm tiền trong tay, việc đầu tiên không phải là tiêu nó vào việc gì mà hãy nghĩ đến việc quản lý số tiền này như thế nào. Số tiền này nên được chia thành 6 (cái lọ) – ta gọi là 6 cái quỹ tài chính.
Quy tắc tài chính 6 chiếc lọ là gì?
Phương pháp quản lý tiền bằng 6 cái lọ là một công thức nổi tiếng khắp thế giới. Cả trăm năm những người thành công đều đã áp dụng. Họ còn truyền lại phương pháp đặc biệt này để giáo dục tư duy triệu phú cho thế hệ sau.
Rất đơn giản, bạn hãy chuẩn bị 6 cái Lọ (có thể là két sắt hay tài khoản ngân hàng) – ta gọi là 6 cái quỹ tài chính. Mỗi cái Lọ có tên và chức năng nhất định. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, lợi nhuận bán hàng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào). Hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 cái lọ. Việc này cần làm ngay, tạo thành thói quen.
- LỌ SỐ 1. Nhu cầu thiết yếu – NEC: 55%
- LỌ SỐ 2. Tiết kiệm dài hạn – LTSS: 10%
- LỌ SỐ 3. Giáo dục đào tạo – EDUC: 10%
- LỌ SỐ 4. Hưởng thụ – PLAY: 10%
- LỌ SỐ 5. Cho đi – GIVE: 5%
- LỌ SỐ 6. Quỹ tự do tài chính – FFA: 10%
Ý nghĩa của từng chiếc lọ
Nhu cầu thiết yếu (NEC) = 55%
Quỹ này giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống: ăn uống, sinh hoạt, mua sắm và các chi phí khác. Nếu bạn không thể sống với 55% thu nhập của mình thì hoặc là bạn cần gia tăng thu nhập hoặc là bạn cần đơn giản cuộc sống. Ví dụ thay vì đi Uber, bạn hãy đi xe bus, thay vì đi xe tay ga, bạn hãy đi xe số, thay vì ăn ngoài thì tự nấu ở nhà với những thực phẩm bình dân.
Tiết kiệm dài hạn (LTSS) = 10%
Quỹ này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Ban đầu, bạn nên chia số tiền 10% tổng thu nhập này thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này ra và tập trung cho những mục tiêu lâu dài.
Giáo dục đào tạo (EDUC) = 10%
Quản lý tài chính thông minh không thể thiếu yếu tố đầu tư vào giáo dục. Bạn dùng quỹ này để phát triển bản thân: mua sách, tham gia các khóa học, đào tạo, diễn thuyết hay gặp gỡ, giao lưu với những người thành công để học hỏi… Bạn nên nhớ, cách đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào học tập.
Hưởng thụ (PLAY) = 10%
Hãy dùng quỹ này để chăm sóc tinh thần, giúp bạn được hưởng cảm giác của người thành công và giàu có: ví dụ đến những nơi chưa từng đến, ăn những món chưa từng ăn, đi spa, đi nghe hòa nhạc…. Trong trường hợp nếu bạn muốn được hưởng một dịch vụ đắt đỏ hay một chuyến du lịch xa hơn, bạn có thể tiết kiệm quỹ này trong một quý trước khi sử dụng.
Quỹ tự do tài chính (FFA) = 10%
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Nhiều người có thể về hưu sớm là nhờ họ được tự do tài chính. Bạn không được tiêu tiền trong quỹ này, tiền của quỹ này chỉ được dùng để đầu tư và tạo ra thu nhập thu động cho bạn.
Giúp đỡ người khác (GIVE) = 5%
Quỹ này giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Tiền sẽ được dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè…vì cuộc sống rất cần sẻ chia.
Những lưu ý quan trọng
Vấn đề cho tiền vào các lọ này cần được thực hiện hàng ngày, tôi nói là HÀNG NGÀY. Nếu bạn làm hàng ngày nhưng số tiền chỉ tăng vào mỗi cuối tháng, tức là bạn đang chỉ làm công, ăn lương. Hãy tìm kiếm thêm các nguồn thu nhập thụ động khác để bổ sung nguồn thu của mình mỗi ngày.
Quỹ Hưởng thụ PLAY cần được tiêu dùng liên tục, nó phải hết vào mỗi cuối tháng. Nếu nó thừa tiền, bạn cần cân bằng lại cuộc sống của mình bằng cách nghĩ tới việc chăm sóc cho bản thân mình, nếu nó thiếu, bạn cần tập trung cho việc kiếm tiền của mình.
Quỹ tự do tài chính FFA, bạn không bao giờ được tiêu tiền trong quỹ này, chỉ dùng nó để đầu tư tạo ra thu nhập thụ động
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại GiaiMaCoin.Com.
Mục lục