Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là gì?
ẩn
IMF là tổ chức gì?
IMF (International Monetary Fund) – Quỹ tiền tệ Quốc tế, là một tổ chức quốc tế bao gồm 189 quốc gia hoạt động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ổn định tài chính bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích thương mại quốc tế và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu.
Nguồn vốn chủ yếu của IMF là vốn cổ phần của các nước thành viên và tích luỹ của IMF. Ban đầu, mức cổ phần đóng góp phụ thuộc vào tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước đó so với kim ngạch xuất nhập khẩu của thế giới. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, IMF cũng có thể vay vốn trên thị trường tài chính quốc tế để phục vụ cho các hoạt động của mình. Đến ngày 31/8/2004, tổng vốn cổ phần của IMF là 311 tỷ USD.
Cổ phần: Các nước thành viên có cổ phần lớn trong IMF là Mỹ (17,46%), Đức (6,11%), Nhật bản (6,26%), Anh (5,05%) và Pháp (5,05%).
Trụ sở chính của IMF đặt tại số 700 đường 19 tại Washington D.C.
Lịch sử ra đời IMF
Cuối chiến tranh thế giới thứ hai, các nước đồng minh bắt đầu nghiên cứu việc trợ giúp các nước phục hồi kinh tế sau chiến tranh, 44 nước (trong đó có Liên Xô cũ) đã tham dự Hội nghị tiền tệ và tài chính của Liên Hiệp Quốc được triệu tập ở Bretton Woods, New Hampshire (Mỹ) từ 1-22/7/1944 nhằm triển khai một hệ thống cấu trúc tiền tệ quốc tế.
Kết quả của hội nghị là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được thành lập. Ngày 27/12/1945, điều lệ thành lập IMF đã được 29 nước ký kết. Ngày 1/3/1947 IMF bắt đầu hoạt động và tiến hành cho vay khoản đầu tiên ngày 8/5/1947.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là một tổ chức quốc tế về tài chính và tiền tệ mà thành viên là chính phủ các nước. Buổi đầu thành lập, IMF chỉ là một tổ chức hợp tác để giám sát hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế, tuy nhiên nó cũng đồng thời hỗ trợ hệ thống này bằng những khoản tiền đôi khi với số lượng lớn dưới hình thức cho các nước thành viên vay.
Trang web của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF (https://www.imf.org/), mô tả sứ mệnh của họ là “thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, ổn định an toàn tài chính, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo trên toàn thế giới.”
IMF có nhiệm vụ gì?
Nhiệm vụ chính của IMF là đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ quốc tế – hệ thống tỷ giá trao đổi và thanh toán quốc tế có thể cho phép các quốc gia (và công dân của họ) giao dịch với nhau. Nhiệm vụ của Quỹ được cập nhật năm 2012 bao trùm sang tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế vĩ mô và tài chính để đảm bảo ổn định toàn cầu.
Để thực hiện nhiệm vụ nền tảng là đảm bảo sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế, IMF theo dõi tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế của các thành viên; cho vay đối với các thành viên gặp khó khăn và đưa ra những sự trợ giúp thiết thực cho thành viên.
Để đạt được các mục tiêu này, IMF tập trung và tư vấn về các chính sách kinh tế vĩ mô của một quốc gia, điều này ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và ngân sách của chính phủ, tiền bạc và quản lý tín dụng. IMF cũng sẽ đánh giá một khu vực tài chính của đất nước và các chính sách pháp lý của nó, cũng như các chính sách cấu trúc trong kinh tế vĩ mô có liên quan đến thị trường lao động và việc làm.
Ngoài ra, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF còn hoạt động như một quỹ, nó có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia cần tiền để trang trải. Do đó, IMF được giao phó nhiệm vụ chung nhằm giúp tăng trưởng kinh tế và duy trì mức độ việc làm ở các nước thành viên.
Các phương pháp chính của IMF để đạt được các mục tiêu này là giám sát, xây dựng năng lực và cho vay.
Cơ cấu tổ chức của IMF
Cơ cấu quản trị của IMF bao gồm những bộ phận chính như sau:
- Hội đồng Thống đốc: là cơ quan quyết định tối cao, bao gồm một thống đốc và một thống đốc thay thế đến từ các quốc gia thành viên. Thống đốc được chỉ định bởi quốc gia thành viên và thông thường là bộ trưởng tài chính hoặc thống đốc ngân hàng trung ương.
- Các Ủy ban Bộ trưởng: Hội đồng thống đốc được tham vấn bởi hai Ủy ban Bộ trưởng: Ủy ban Tiền tệ và Tài chính quốc tế( IMFC- International Monetary and Financial Committee) và Ủy ban Phát triển (Development Committee).
- Ban Giám đốc Điều hành: gồm 24 thành viên chịu trách nhiệm quản lý các công việc hàng ngày của IMF. 24 thành viên của Ban Giám đốc Điều hành này thay mặt cho 189 quốc gia thành viên. Ban Giám đốc Điều hành bàn luận và giải quyết tất cả các vấn đề từ việc xem xét tình trạng kinh tế của các nước thành viên được chuẩn bị bởi nhân viên của IMF cho đến các vấn đề về chính sách kinh tế có liên quan đến nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 21/06/1956 Việt Nam gia nhập IMF với hạn mức đóng góp cổ phần là 329.1 triệu SDR, trị giá khoảng 475.3 triệu USD.
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại GiaiMaCoin.Com.
Mục lục