Wirecard là gì? Wirecard phá sản như thế nào?

Wirecard – một công ty công nghệ tài chính (fintech) có vốn hóa lớn nhất châu Âu, đã chính thức đệ đơn xin phá sản vào ngày 25/6/2020. Động thái này diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau vụ bê bối gian lận hàng tỷ euro bị phanh phui, cũng như việc cựu CEO Markus Braun bị bắt.

Wirecard là gì? Wirecard phá sản như thế nào?

Nội dung bài viết
ẩn

Wirecard là công ty gì?

Wirecard là công ty công nghệ thành lập từ 1999, nhưng lại nghiễm nhiên nằm trong số những công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất và là niềm tự hào của giới công nghệ Đức. Công ty này có vốn hóa lớn hơn cả những ngân hàng nổi tiếng như Deutsche Bank và Commerzbank.

Năm 2018, chính Wirecard đã đẩy Commerzbank ra khỏi bộ chỉ số DAX của Đức, sau đó vượt qua cả Deutsche Bank về vốn hóa năm 2019.

Mảng kinh doanh chính của Wirecard là cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, mạng di động và không ngừng đẩy mạnh mở rộng thị trường trong mấy năm qua, tỏ rõ tham vọng “đánh chiếm” thị trường châu Á qua nhiều thương vụ sáp nhập.

Trong số các khách hàng của Wirecard có những hãng lớn như FedEx và hãng hàng không KLM. Wirecard cũng vừa ký kết hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khổng lồ Visa để thúc đẩy phát triển tham vọng thử nghiệm mạng lưới fintech của Visa ở Trung Đông.

Có thể nói, Wirecard là một trong những niềm tự hào và “con cưng” của giới công nghệ Đức, là tấm gương để nhiều công ty fintech của châu Âu noi theo.

Khởi nguồn cho vụ bê bối của WireCard

Đầu năm 2019, cổ phiếu Wirecard giảm giá mạnh khoảng 30%, khi Financial Times đưa ra các phân tích cho rằng công ty này đã sử dụng nhiều hợp đồng giả để thổi phồng số liệu doanh thu thông qua văn phòng ở Singapore.

Xem thêm  Serum là gì? Thông tin về đồng SRM

Financial Times đã trích dẫn tài liệu và nguồn tin nội bộ, cho rằng bộ phân tài chính kế toán khu vực châu Á – Thái Bình Dương của công ty này đã “di chuyển” khoảng 37 triệu EUR qua nhiều công ty con và các doanh nghiệp bên ngoài, bằng những giao dịch phức tạp và đáng nghi ngờ. Tờ Financial Times cho rằng mục tiêu của việc di chuyển này để tạo ra dòng doanh thu có vẻ hợp lý, nhằm đánh lừa các kiểm toán viên.

Wirecard lập tức phản ứng, cho rằng các thông tin này là vô lý và không đáng tin cậy, khẳng định công ty có hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán độc lập đáng tin cậy.

Cho đến tháng 02/2019, Financial Times một lần nữa đưa thông tin rằng, một công ty luật hỗ trợ pháp lý cho Wirecard phát hiện dấu hiệu lừa đảo trong các tài khoản của văn phòng công ty ở Singapore. Wirecard tất nhiên lại phản hồi, cho rằng các thông tin của Financial Times đưa ra là không chính xác, có dấu hiệu đánh lừa nhà đầu tư.

Trước những thông tin của Financial Times, trong khi giới chức của Singapore tiến hành điều tra văn phòng của Wirecard, các nhà quản lý của Đức quay sang “tấn công” báo Financial Times, tiến hành điều tra nhà báo đã đưa các thông tin về Wirecard, đồng thời tạm cấm nhà đầu tư bán khống cổ phiếu Wirecard trong 2 tháng. Bloomberg cho rằng thay vì điều tra cẩn thận trường hợp của Wirecard, giới chức Đức đã “bắn vào người đưa tin” (nguyên văn “shoot the messenger”).

Không chỉ giới quản lý của Đức, giới phân tích cổ phiếu cũng có người cũng chỉ trích báo cáo của Financial Times là “nói láo”, “liên kết với những người bán khống cổ phiếu để trục lợi”. Sau đó Wirecard đã kiện Financial Times đưa tin không trung thực, làm lộ bí mật kinh doanh của công ty. Hiện nay đôi bên vẫn còn đang trong tiến trình tố tụng vụ việc này.

Xem thêm  Black Card là gì? Tìm hiểu thông tin về thẻ tín dụng BlackCard

Có thể nói, vì theo đuổi vụ việc này để làm rõ những khuất tất ở một công ty fintech đang được ngưỡng mộ bởi giới công nghệ, phân tích chứng khoán và là niềm tự hào của người Đức, Financial Times đã bị vùi dập bằng đủ mọi hình thức, từ bị chỉ trích nặng nề, điều tra lẫn bị kiện tụng. Đến nay có vẻ như họ đã đúng, nhưng họ vẫn còn đang bị kiện tụng. Và có vẻ như sự thật được chứng minh quá trễ cho những nhà đầu tư của Wirecard.

WireCard phá sản như thế nào?

Nguyên nhân của sư phá sản khởi nguồn từ việc Wirecard dính vào nhiều bê bối tài chính nghiêm trọng. Sau khi thông tin lỗ hổng tài khoản Wirecard được công bố bởi các kiểm toán viên của Ernst&Young, những bí mật đen tối đằng sau cái tên Wirecard dần được hé lộ. Ngay lập tức, CEO của Wirecard là Markus Braun đã bị bắt vì vô số tội danh sai phạm vào ngày 23/6.

Theo nghiên cứu của Ernst&Young, lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán của Wirecard chỉ trị giá bằng 1/4 số tài sản mà họ có. Đây chính là điểm nghi vấn lớn nhất dẫn tới câu hỏi: Liệu Markus Braun đang có làm ăn phi pháp?

Sau một thời gian điều tra kỹ lưỡng, thực sự không khó để các nhà kiểm toán của Ernst&Young phát hiện sai phạm và truy vấn Wirecard. Đối diện với sức ép dư luận, Wirecard không thể giải thích cho lỗ hổng 2,1 tỷ USD xuất hiện trong bảng cân đối kế toán của mình.

Với vị trí CEO Wirecard, Markus Braun được trả khoảng 3 triệu USD mỗi năm. Ông này đã sử dụng hàng triệu USD tiền riêng và mượn khoảng 150 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche để đầu tư vào Wirecard.

Xem thêm  District0x là gì? Thông tin về đồng DNT

Bằng vị thế của mình, “ông trùm tài chính” Markus Braun đã thực hiện khai khống cho Wirecard 2,1 tỷ USD. Như vậy, để thu hút thêm các nhà đầu tư và khách hàng, ông đã thổi phồng tài sản và doanh thu của công ty thông qua các giao dịch giả với cái gọi là bên “mua thứ ba” để tạo nên vỏ bọc một công ty vững mạnh về tài chính.

“Bên mua thứ ba” mà Wirecard khai khống chính là hai ngân hàng ở Philippines. Trước phát hiện sai phạm của Wirecard, chính phủ Philippines đã phải vào cuộc để làm rõ sự việc. Ngoài việc phủ nhận hợp tác với Wirecard, hai ngân hàng ở Philippines cũng cáo buộc công ty này sử dụng tên tuổi của mình để che đậy hành vi gian dối trong kinh doanh.

Thế nhưng trước khi bị bắt, Braun vẫn còn cho rằng những bê bối trên chỉ là do công ty của ông đang bị kẻ xấu lừa đảo. Chỉ cho đến ngày 22/6, khi Braun sa lưới, Wirecard đã phải thừa nhận số tiền trên có thể không tồn tại và rút lại báo cáo tài chính năm 2019 và quý I/2020.

Cuối cùng, trong khi cổ phiếu rớt giá không phanh, Wirecard đã nộp đơn xin thủ tục phá sản vào ngày 25/06, trở thành cổ phiếu blue-chip đầu tiên trong chỉ số DAX của Đức nộp đơn xin phá sản.

FTX

CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại GiaiMaCoin.Com.

Rate this post
Back to top button

You cannot copy content of this page